Tiếng Việt | English

Viện Dinh dưỡng quốc gia đồng hành trong đào tạo sinh viên ngành Dinh dưỡng

08/03/2021 15:05     1769

Theo PSG. TS. Nguyễn Đỗ Huy- Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, để có số lượng cử nhân dinh dưỡng tiết chế đạt 1 cử nhân/100 giường theo Thông tư 18 thì Việt Nam cần có 2.250 cán bộ dinh dưỡng tiết chế. Để đạt được mức tỷ lệ 6-10 cán bộ dinh dưỡng/100.000 dân (như Đài Loan và Úc) thì số lượng cán bộ dinh dưỡng ở Việt Nam cần được đào tạo lên tới 8.000 người, chưa kể vị trí việc làm tại các trường học, các doanh nghiệp. Do đó, thị trường lao động ngành dinh dưỡng hiện nay rất cao

Ngày 05/03/2021, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường, TS Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo chương trình Dinh dưỡng đã tiếp và làm việc với PSG. TS. Nguyễn Đỗ Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Trao đổi về vị trí của ngành Dinh dưỡng trong xã hội hiện nay, PSG. TS. Nguyễn Đỗ Huy cho biết, tại Việt Nam, để có số lượng cử nhân dinh dưỡng tiết chế đạt 1 cử nhân/100 giường bệnh như thông tư 18 thì Việt Nam cần có 2.250 cán bộ dinh dưỡng tiết chế. Để đạt được mức như Đài loan và Úc (tỷ lệ 6-10 cán bộ dinh dưỡng/100,000 dân) thì số lượng cán bộ dinh dưỡng ở Việt Nam cần được đào tạo lên tới 8.000 người. Để đào tạo được 8.000 cán bộ này với sự tham gia của 15 cơ sở đào tạo y dược (trường đại học y, khoa y dược) trong cả nước với số lượng 80 sinh viên/năm thì chúng ta cần tới 10 năm để đáp ứng nhu cầu. Nhưng thực tế, hiện nay ở Việt Nam chỉ có 9 trường đại học đào tạo ngành này, mỗi trường cũng chỉ đào tạo 30-50 cử nhân. Như vậy, trong 10 - 15 năm tới, nhu cầu về cán bộ dinh dưỡng được đào tạo chính quy vẫn đang còn là một vấn đề cần giải quyết tại Việt Nam. Chưa kể vị trí việc làm tại các trường học, các doanh nghiệp, do đó thị trường lao động ngành dinh dưỡng hiện nay rất cao.

Với tầm nhìn và chiến lược phát triển của trường ĐH Thủ Dầu Một, PSG. TS. Nguyễn Đỗ Huy hoàn toàn ủng hộ Trường đào tạo cử nhân ngành Dinh dưỡng, đáp ứng đúng nhu cầu tất yếu của xã hội. Là một trong những đơn vị đi đầu và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Trường trong các hoạt động liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.

Cảm ơn sự ủng hộ của PGS.TS. Nguyễn Đỗ Huy, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với 1.280 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 200.000 công nhân lao động (dự kiến sau năm 2020 có khoảng 40 khu công nghiệp). Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho các công tác chuyên môn có liên quan đến dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước,... là rất lớn. Từ năng lực và kinh nghiệm đào tạo các ngành về công nghệ sinh học, thực phẩm và từ chính “đặt hàng” của các doanh nghiệp, trường ĐH Thủ Dầu Một đã mạnh dạn mở ngành Dinh dưỡng từ năm 2021, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh và cả nước.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác về: đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm. Theo đó, các chuyên gia của Viện sẽ tham gia thẩm định chương trình đào tạo đại học ngành Dinh dưỡng của trường; tham gia giảng dạy một số học phần khối ngành ngành dinh dưỡng, thực phẩm và các khóa ngắn hạn tại Trường. Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ cho trường nguồn học liệu của ngành dinh dưỡng, thực phẩm (giáo trình, tài liệu giảng dạy,…); hỗ trợ giới thiệu các địa chỉ tham quan, thực hành chuyên môn cho sinh viên ngành Dinh dưỡng của Trường. Bên cạnh đó, Trường và Viện sẽ phối hợp nghiên cứu khoa học và tổ chức các hội thảo khoa học về dinh dưỡng; Viện hỗ trợ kết nối các tổ chức phi chính phủ trong tài trợ cho các dự án về dinh dưỡng và nguồn học bổng cho sinh viên Trường.

 

Ngành Dinh dưỡng là ngành học được đào tạo để làm việc trong hệ thống dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tư vấn dinh dưỡng trong phòng ngừa và khắc phục những thiếu hụt dinh dưỡng hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Theo Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành đã qui định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng, chính thức xem dinh dưỡng là một nghề trong hệ thống y tế tại Việt Nam. Vai trò quan trọng của các dinh dưỡng viên làm công tác dinh dưỡng tiết chế tại các cơ sở y tế, phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay trong việc đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ cán bộ dinh dưỡng trình độ cao, được trang bị kiến thức bài bản cho các công tác dinh dưỡng, không chỉ trong các bệnh viện mà còn trong các cơ sở y tế, trường học, cộng đồng. Đặc biệt, theo thông tư 18/2020/TT-BYT Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; đối với bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa Dinh dưỡng. Mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu 01 người làm chuyên môn về dinh dưỡng. Đối với bệnh viện có quy mô dưới 100 giường bệnh, nếu không thành lập được khoa Dinh dưỡng thì phải có bộ phận Dinh dưỡng hoặc có người phụ trách dinh dưỡng làm việc toàn thời gian. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực về dinh dưỡng hiện nay rất thiếu.


Trao đổi tại buổi làm việc, PSG. TS. Nguyễn Đỗ Huy hoàn toàn ủng hộ Trường đào tạo cử nhân ngành Dinh dưỡng, đáp ứng đúng nhu cầu tất yếu của xã hội

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác về: đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm

Tin: TS. Nguyễn Thu Hiền

 

BÀI ĐĂNG CÙNG CHỦ ĐỀ
Thống kê truy cập

 Đang truy cập: 48

 Tất cả: 3883731