Tiếng Việt | English

Khoa Khoa học Tự nhiên – Sức bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sau 10 năm thành lập

12/04/2019 09:13     2570

Được thành lập 2009,  trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, Khoa KHTN đã khẳng định vị thế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Khoa KHTN hiện nay có 5 chương trình đào tạo: Toán học, Hoá học, Vật lý, Khoa học môi trường và Sinh học ứng dụng với đội ngũ giảng viên có 1 Phó Giáo sư, 11 Tiến sĩ, 71 Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh đang học tập nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tập thể Giảng viên Khoa KHTN cùng lãnh đạo nhà trường tại buổi họp mặt đầu năm học (25/09/2017)

Về đào tạo

     Trong giai đoạn năm 2009 đến 2018, Khoa KHTN đào tạo Sinh viên các ngành: Sư phạm Toán, sư phạm Vật lý, sư phạm Hoá học, Sư phạm Sinh học và Cử nhân Khoa học môi trường; từ năm 2015 đến nay khoa đào tạo thêm các ngành cử nhân Toán, Lý, Hoá, Sinh học Ứng dụng, và Thạc sĩ ngành Khoa học Môi trường. Hệ thống các chương trình đào tạo do khoa quản lý thường xuyên được cập nhật, bổ sung, tham chiếu với các chương trình tiên tiến của các trường đại học trong nước và trong khu vực. Từ năm 2015 đến nay, Khoa đã triển khai áp dụng CDIO trong tất cả các học phần, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo xây dựng hướng đến đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Vì vậy, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 70%. SV ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo chiếm gần 80%, được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Hiện nay, các chương trình đào tạo thuộc khoa KHTN quản lý đang hoàn thiện hồ sơ cho kiểm định Chương trình cấp quốc gia và hướng đến kiểm định theo chuẩn AUN-QA.

Hàng năm, Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp cận thực tế cho sinh viên như tham quan, thực tế thiên nhiên, thực tập cơ sở, thực tập tốt nghiệp ở các Viện nghiên cứu, các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, các cụm công nghiệp, các nhà máy xí nghiệp nhằm đảm bảo sinh viên luôn học đi đôi với hành và rèn luyện kinh nghiệm thực tế.

Sinh viên Khoa KHTN sau khi ra trường có thể làm việc hiệu quả tại các trường trung học, các viện, trường đại học, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên ngày càng cao từ khi là sinh viên năm cuối càng khẳng định định hướng đào tạo của trường, của các Chương trình đào tạo ngày càng sát với thực tế, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, tạo tiền đề hướng đến các tiêu chuẩn trong khu vực Đông Nam Á.

Trưởng khoa PGS-TS. Nguyễn Thanh Bình cùng giảng viên và toàn thể sinh viên Khoá D18 chuẩn bị đi thực tế tại các cơ sở trong học phần Nhập môn ngành KHTN

Về công tác bồi dưỡng các đội tuyển Olympic

Trong nhiều năm qua, các đội tuyển Olympic Toán, Lý, Hoá tích cực hưởng ứng, tham gia nhiều kỳ thi học thuật và liên tục gặt hái được nhiều giải thưởng cao ở cấp khu vực, cấp vùng, cấp quốc gia như: Kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên và Học sinh toàn quốc, Kỳ thi Olympic Vật lý Sinh viên và Học sinh toàn quốc là một trong các thế mạnh của Khoa KHTN. Các đội tuyển trong tất cả các lần tham dự đều đạt kết quả ấn tượng tại các kì thi Olympic quốc gia góp phần khẳng định chất lượng đào tạo gắn với phát triển năng lực nghiên cứu, đáp ứng tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho những sinh viên đạt giải Olympic vật lý và toán học tại lễ khai giảng năm học 2018

 

Tổ chức ngày hội khoa học cho học sinh THPT

Bên cạnh việc giảng dạy cho sinh viên trong trường, công tác đào tạo hướng đến học sinh Trung học phổ thông, bồi dưỡng chuyên môn và chuyển giao công nghệ cho giáo viên Trung học cũng được Khoa KHTN chú trọng.

Nhằm chia sẻ kiến thức khoa học, truyền cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ, Khoa đã phối hợp cùng các  khoa thuộc khối ngành Tự nhiên-Kỹ thuật trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức chuyến hành trình tham quan tìm hiểu, trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh các trường THPT. Học sinh được trải nghiệm tại khu vực phòng thí nghiệm, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao của khoa Khoa học Tự nhiên. Trong vai trò là những nhà khoa học, các bạn học sinh được trải nghiệm công tác nghiên cứu; được thử nghiệm, đánh giá các chế phẩm sinh học, hóa học; được tận mắt nhìn thấy quy trình chế tạo nano vàng, tham quan hệ thống trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi và công nghệ chưng cất, chiết xuất tinh chất từ các loại dược liệu quý.

Các em học sinh trường THPT Chuyên Hùng Vương quan sát hình ảnh của mẫu vật dưới kính hiển vi (28/5/2017)

Tại tỉnh Ninh Thuận, khoa cũng đã tổ chức một chương trình dành riêng cho học sinh trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn với tên gọi Ngày hội khoa học và công nghệ, chuyên đề Sinh học ứng dụng và Công nghệ sinh học, đã thu hút hơn 250 bạn học sinh tham dự.

Các bạn học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Ninh Thuận) thích thú nghe giới thiệu về các sản phẩm NCKH trong lĩnh vực tự nhiên tại trường ĐH Thủ Dầu Một

Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên THPT

Với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên trung học, Khoa KHTN đã tham gia giảng dạy bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên khối THCS, THPT hè năm 2015 và hội thảo “Định hướng công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trung học năm 2016” và Tập huấn nâng cao năng lực về công nghệ sinh học cho giáo viên tại các trường THPT tỉnh Ninh Thuận năm 2017.

Tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Ninh Thuận), đoàn chuyên gia Khoa Công nghệ sinh học và Sở Giáo Dục & Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật làm tiêu bản trong Lab và quy trình trồng nấm dược liệu. Gần 100 giáo viên dạy Sinh học của các trường THPT tỉnh Ninh Thuận đã được cập nhật những kiến thức mới về công nghệ sinh học, trải nghiệm các thao tác thực tế liên quan đến kỹ thuật làm tiêu bản và đặc biệt là kỹ thuật trồng nấm dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Ninh Thuận. Sau buổi tập huấn, các kiến thức, kỹ thuật mới này không chỉ được đưa vào giảng dạy cho học sinh mà còn được phổ biến đến các hộ nông dân trên địa bàn Tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa trao chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn cho CB- Giáo viên tỉnh Ninh Thuận (12/07/2017)

 

Về nghiên cứu khoa học

Hướng tới mục tiêu tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tính chất hoạt động nghiên cứu của Khoa KHTN cũng chuyển mạnh từ các nội dung nghiên cứu cơ bản sang các đề tài trong các chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển giải pháp công nghệ, cả về số lượng đề tài lẫn về kinh phí thực hiện. Công tác nghiên cứu khoa học được kết hợp chặt chẽ với với công tác giảng dạy, học tập và công tác biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy. Công bố khoa học ở tạp chí trong và ngoài nước cùng hội thảo quốc tế. Kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học cũng tăng lên, các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng, được chuyển giao cũng ngày càng nhiều. Tính đến nay, Khoa KHTN có khoảng hơn  55 bài báo ISI và Scopus.

Kể từ khi khoa KHTN ra đời, các hội thảo cấp khoa, cấp trường, cấp quốc tế liên quan đến lĩnh vực Môi trường, Vật lý, Toán học, Hoá học và Sinh học ứng dụng được định kì tổ chức.

Cùng với công tác giáo dục đào tạo, Trường Đại học Thủ Dầu Một luôn chú trọng phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên. Thực hiện chủ trương của Nhà trường, Khoa KHTN ngày càng phát huy tiềm năng nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên. Các buổi báo cáo chuyên đề, hội thảo khoa học liên quan đến các chủ đề: “Hoá học vì sự phát triển bền vững”, “Vật lý và ứng dụng”; “Ứng dụng sinh học trong nông nghiệp”; “Ứng dụng sinh học trong Y học”; “Một số vấn đề Sinh học hiện đại” là một trong những hoạt động định kì tổ chức giúp cho cán bộ giảng viên được giao lưu, học hỏi, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giữa các giảng viên trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Khoa cũng đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế IFGTM 2016 với chủ đề “Tăng trưởng xanh, con đường phát triển bền vững”, hội thảo đã thu hút hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự.

Nhằm tạo diễn đàn trao đổi các thành tựu khoa học về nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Hoá học, Vật lý ứng dụng, Môi trường và Toán học vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại khu vực Đông Nam bộ (ĐNB), các hội thảo khoa học cấp trường do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức thường niên. Các hội thảo này đã thu hút các nhà khoa học, giảng viên, học viên và sinh viên của nhiều cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam như: Viện Sinh học nhiệt đới - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Viện tài nguyên và Môi trường, Viện Hoá học, Viện Vật liệu, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghiệp Thực phẩm, Đại học Khoa học Huế, Hội Khí sinh Đồng Nai, Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, Viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở KH&CN Bình Dương, Sở KH&CN Đồng Nai, Công ty Genworld, Công ty Mediworld, công ty Công nghệ sinh học TVT. Nội dung các hội thảo tập trung vào các chủ đề như: Hoá học vì sự phát triển bền vững, Vật lý và ứng dụng, Môi trường xanh, Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cấy mô, bảo tồn và phát triển giống cây trồng và vật nuôi bản địa, thú hoang dã, đặc biệt ở khu vực Đông nam bộ; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và chiết xuất dược chất nấm, cây dược liệu; ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đô thị; ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ vi sinh trong nông nghiệp chất lượng cao; các thành tựu trong an toàn và bảo quản thực phẩm; các nghiên cứu và thành tựu trong hỗ trợ y sinh học.

Hội thảo Công nghệ sinh học và sinh học ứng dụng khu vực Đông Nam bộ đã thu thút 145 nhà khoa học, giảng viên, học viên và sinh viên của 15 cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam tham dự (9/6/2017)

Hội thảo “Hoá học vì sự phát triển bền vững” được định kì tổ chức, đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đang trực tiếp giảng dạy, làm công tác nghiên cứu tại các trường ĐH, Viện nghiên cứu trong cả nước (27/7/2018)

GS. Nabendu Pal – ĐH Louisiana báo cáo về Thống kê ứng dụng tại ĐH Thủ Dầu Một


Các nhà khoa học và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo “Vật lý và ứng dụng” (12/05/2017)

Nghiên cứu khoa học sinh viên

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của sinh viên. Nghiên cứu khoa học không những củng cố, nâng cao vốn hiểu biết về kiến thức lý luận, kiến thức chuyên môn mà còn góp phần rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng dành cho sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình... Đối với mỗi sinh viên, những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập tại giảng đường mà còn trong suốt quãng thời gian làm việc sau này. Do đó, việc trau dồi và phát huy những kỹ năng này là yêu cầu được đặt ra hết sức cấp thiết.

Tại Khoa KHTN, trong thời gian qua, sinh viên tích cực tham gia, say mê, thực hiện có hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học nhờ vào môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, sự hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa của giảng viên, của Khoa và nhà trường. Những hoạt động nghiên cứu khoa học của Sinh viên cần được khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia tích cực thông qua việc biểu dương thành tích tại các cuộc thi, các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học ở các cấp. Đặc biệt cần định hướng cho sinh viên lựa chọn những đề tài phù hợp với thực tiễn, trình độ kiến thức và phù hợp với ngành nghề được đào tạo”.


Sinh viên Khoa KHTN đang say mê nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm

Nhờ tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường thông qua việc đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên trong nghiên cứu, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của Sinh viên trong những năm qua đã tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều đề tài của Sinh viên mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực: Toán ứng dụng, Công nghệ Hoá học, Vật lý ứng dụng, Môi trường, Nông nghiệp đô thị, Công nghệ vi sinh-thực phẩm, Công nghệ Y sinh đã được triển khai.

Sinh viên của Khoa KHTN tự giác, say mê, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi thực hiện thành công những đề tài nghiên cứu mà mình đã lựa chọn. Kết quả, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đăng ký hằng năm tăng lên, đạt giải cao trong các kì thi SV NCKH các cấp.

Về chuyển giao công nghệ

Trong 10 năm qua, Trường đại học Thủ Dầu Một đã trở thành đối tác tin cậy trong nhiều dự án, công trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho thị trường. Theo đó, trong công tác chuyển giao công nghệ, các sản phẩm của các đề tài khoa học do giảng viên của Khoa KHTN thực hiện đã được chuyển giao cho Trung tâm chuyển giao khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Kon Tum (tháng 10/2017), tỉnh Ninh Thuận (tháng 7/2017), các công ty sản xuất các thực phẩm chức năng.

Trường Đại học Thủ Dầu Một và Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT ký kết bản hợp tác trong việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học (ngày 9/6/2017)

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên cùng các giảng viên tập huấn cho cán bộ nông nghiệp, giáo viên và người dân tại tỉnh Ninh Thuận (12/07/2017)


PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo khoa Khoa học Tự nhiên, Viện Phát triển Khoa học Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm và các nhà khoa học khảo sát thực tế, đối sánh các mẫu vật và hồ sơ phân loại cây bản địa tại Khu bảo tồn sinh thái Thác Mai- Đồng Nai



TS. Ngô Hồng Điệp- Phó Hiệu Trưởng cùng với đoàn công tác chuyển giao các sản phẩm ứng dụng do trường sản xuất cho Trung tâm chuyển giao khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Kon Tum (08/09/2017)


ThS Trần Ngọc Hùng hướng dẫn quy trình phun thuốc TDM1 Trichoderma trên cây nho (Ninh Thuận-12/07/2017)

Chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tham mưu, tư vấn các mô hình phát triển nông nghiệp chất lượng cao phù hợp điều kiện sinh thái của địa phương là một trong các thế mạnh của Khoa KHTN. Một số đề tài đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Khoa đã rất thành công trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm thuộc lĩnh vực: công nghệ hoá học, công nghệ sinh học, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như nấm dược liệu, nấm ăn, các giống cây trồng bản địa của Bình Dương, các sản phẩm sinh học phục vụ cho ngành trồng trọt, chăn nuôi…


Lãnh đạo Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng lãnh đạo khoa KHTN tham quan, khảo sát thực trạng tại vườn bưởi thuộc xã Bạch Đằng(huyện Tân Uyên)

Tự hào với những thành quả đã đạt được trong 10 năm qua, khoa KHTN sẽ phát huy các thế mạnh trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong thời gian tới, về đào tạo, khoa KHTN tiếp tục cập nhật đổi mới và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng đáp ứng nhu cầu xã hội, tăng cường hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục có uy tín. Trong nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên theo hướng chuyên sâu, chú trọng nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng. Về hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, Khoa tiếp tục mở rộng quan hệ, hội nhập và hợp tác về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các tổ chức, cá nhân, các trường đại học trong và ngoài nước. Hy vọng với “Khát vọng- Trách nhiệm- Sáng tạo”, tập thể Giảng viên và Sinh viên khoa KHTN sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển.

 

BÀI ĐĂNG CÙNG CHỦ ĐỀ
Thống kê truy cập

 Đang truy cập: 76

 Tất cả: 3881905