Ngày 6.6.2018, cùng với không khí sôi nổi của toàn Khoa KHTN trong việc tổ chức xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học của Sinh viên, Bộ môn Sinh học đã tiến hành nghiệm thu 15 đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực sinh học ứng dụng và tuyển chọn các đề tài xuất sắc dự thi cấp trường.
Các hội đồng của khối ngành Sinh học chia thành 3 tiểu ban. Tiểu ban Sinh học 1 có 5 đề tài do PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình làm chủ tịch hội đồng. Các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao như: Đánh giá động thái hormone Estrogen của cầy vòi hương (Paradosurus hermaproditus Pallas 1777) trong điều kiện nuôi nhốt; Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Trichoderma để kiểm soát bệnh đốm xám trên cây thanh long; Nghiên cứu quá trình tạo rễ bất định cây Đảng sâm in vitro Codonopsis lanceolate; Nghiên cứu sinh trưởng, phát triển và tạo củ cây khoai lang được trồng bằng giàn leo tại Bình Dương.
Sinh viên tích cực nghiên cứu ở phòng thí nghiệm
Tiểu ban Sinh học 2 do TS. Lê Nguyễn Uyên Chi làm chủ tịch Hội đồng. Các đề tài bao gồm: Nghiên cứu các chỉ tiêu sinh hóa nước tiểu của cầy vòi hương (Paradosurus hermaproditus Pallas 1777) trong điều kiện nuôi nhốt; Xác định nồng độ MIC, MBC của dịch chiết thực vật kháng S. aureus; Khảo sát khả năng sử dụng bã thải cà phê làm cơ chất trồng nấm Milky (Calocybe indica); Nghiên cứu một số chỉ tiêu sinh thái thích nghi và bước đầu nhân giống vô tính in vitro cây không khí (Tillandsia); Ảnh hưởng của tinh dầu cây Quýt (Citrus reticulata) đến sự phát triển của Sâu ăn tạp (Spodoptera litura). Theo đánh giá của chủ tịch Hội đồng ở tiểu ban này, Sinh viên ngành Sinh học đã có những tiến bộ trong việc trình bày một báo cáo khoa học và tự tin khi bảo vệ đề tài.
Nấm Hoàng đế (Calocybe indica) và nấm Hoàng kim - Sản phẩm của đề tài “Khảo sát khả năng sử dụng bã thải cà phê làm cơ chất trồng nấm”
Tiểu ban Sinh học 3 do TS. Ngô Đại Hùng làm chủ tịch Hội đồng gồm 5 đề tài: Khảo sát môi trường tạo sinh khối hệ sợi nấm Isaria sp. làm nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng và dược liệu; Ảnh hưởng của điều kiện nuôi cấy đến sự tăng trưởng và thành phần sinh hóa của Spirulina platensis; Sàng lọc vi khuẩn Bacillus phân giải sợi huyết fibrin; Tinh sạch enzyme amylase từ vi khuẩn bacillus để thủy phân tinh bột sống; Hoạt tính trừ sâu in vivo của tinh dầu Hoắc hương dại (Hyptis suaveolens) đối với Sâu ăn tạp; Ảnh hưởng của các loại phân hữu cơ đến sinh trưởng và năng suất cây rau dọc mùng (Colocasia gigantea) trên địa bàn xã Thạnh Hội - thị xã Tân Uyên - tỉnh Bình Dương.
ThS. Trần Thanh Hùng cùng nhóm Sinh viên nghiên cứu về Hoạt tính trừ sâu của tinh dầu thực vật
Theo đánh giá của Hội đồng, tất cả các đề tài năm nay đều được sinh viên thực hiện đúng nội dung và thời gian quy định như trong báo cáo đề cương được Trường phê duyệt. Các báo cáo được trình bày khoa học, đáp ứng đủ các tiêu chí của một đề tài NCKH của Sinh viên. Hầu hết các đề tài có tính mới và vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn. Hội đồng đã tuyển chọn 3 đề tài xuất sắc từ 3 tiểu ban để gửi tham dự Hội thi Sinh viên NCKH cấp trường vào tháng 5. Hy vọng, phong trào NCKH của sinh viên ngành Sinh học sẽ luôn được duy trì và tiếp tục đạt nhiều thành quả trong các năm kế tiếp.
Tin, ảnh: Thu Hiền
Đang truy cập: 142
Tất cả: 3881971